Trẻ bị đi ngoài uống thuốc gì? Cách sử dụng thuốc tiêu chảy cho bé

Trong những năm đầu đời trẻ thường mắc phải các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa. Theo ước tính, trung bình 1 trẻ dưới 3 tuổi có thể trải qua từ 3-4 đợt tiêu chảy, thậm chí là 8-9 đợt mỗi năm. Mặc dù tình trạng này đa số là nhẹ và chỉ cần điều trị tại nhà. Nhưng nếu cha mẹ không xử trí đúng cách tiêu chảy có thể nặng thêm, dẫn tới suy dinh dưỡng và mất nước khá nguy hiểm. Vậy trẻ bị đi ngoài uống thuốc gì và cách sử dụng thuốc tiêu chảy cho bé như thế nào?

Contents

1. Biểu hiện trẻ bị đi ngoài

Trẻ bị đi ngoài được hiểu đơn giản là thức ăn di chuyển quá nhanh trong đường ruột, dẫn tới chưa được tiêu hóa và hấp thu kịp. Trong trường hợp sự hấp thu muối và nước ở ruột non bị rối loạn, nước sẽ đi thẳng xuống ruột già, không được tái hấp thu và gây ra tiêu chảy.

Để đánh giá tiêu chảy ở trẻ, cần dựa vào tần suất đại tiện và tính chất phân. Nếu trẻ đi ngoài từ 3 lần/ngày cộng với phân lỏng bất thường thì được coi là bị tiêu chảy. Như vậy, khi trẻ đi ngoài nhiều lần mà phân bình thường thì không phải tiêu chảy. Hay với trẻ bú mẹ hoặc ăn sữa hoàn toàn, phân sền sệt cũng hoàn toàn bình thường.

bieu hien tre bi di ngoai

Trẻ bị đi ngoài có biểu đại tiện phân lỏng từ 3 lần/ngày trở lên

Trẻ bị đi ngoài có thể kèm theo các dấu hiệu khác như nôn, sốt, biếng ăn. Nặng hơn nữa là suy dinh dưỡng và mất nước. Đây là 2 nguyên nhân chính dẫn tới tử vong ở trẻ tiêu chảy. Việc xử trí ban đầu tại nhà kịp thời và đúng cách sẽ giúp giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm này.

Xem thêm Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị tiêu chảy mẹ cần biết

2. Trẻ bị đi ngoài do đâu?

Trẻ em bị tiêu chảy nhiều hơn người lớn. Đó là do trẻ có sức đề kháng kém, hệ tiêu hóa còn non nớt và chưa biết giữ vệ sinh nên các tác nhân gây bệnh dễ dàng tấn công.

Bộ 3 nguyên nhân thường gặp nhất gây tiêu chảy ở trẻ là vi-rút, vi khuẩn và ký sinh trùng.

– Các vi-rút như Rotavirus, Enterovirus, Adenovirus, Norovirus. Trong đó, tiêu chảy nặng do Rotavirus phổ biến ở trẻ dưới 2 tuổi. Hiện nay, việc cho trẻ uống vắc-xin rota ngừa tiêu chảy đã giúp giảm đáng kể tình trạng này.

– Các vi khuẩn gây bệnh như Coli đường ruột (E.Coli), trực khuẩn lỵ (Shigella), phẩy khuẩn tả Vibrio cholerae, Campylobacter jejuni, Salmonella enterocolitica.

– Các ký sinh trùng gây bệnh như amip Entamoeba histolytica, đơn bào Giardia lamblia, hay Cryptosporidium.

tre bi di ngoai do dau

Trẻ bị đi ngoài thường do vi-rút, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng

Ngoài các nguyên nhân kể trên, trẻ có thể bị tiêu chảy do dị ứng thức ăn, không dung nạp lactose, do thuốc kháng sinh, thuốc nhuận tràng, ăn nhiều đồ ngọt, hoặc các bệnh tại đường ruột như viêm ruột, bệnh celiac, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng.

Xem thêm Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, mẹ cần chú ý những gì?

3. Trẻ bị đi ngoài uống thuốc gì?

Trẻ bị đi ngoài nhẹ, không phải tiêu chảy thì chỉ cần chú ý đến chế độ ăn uống phù hợp. Sau 1-2 ngày, đi ngoài sẽ hết.

Trong trường hợp trẻ tiêu chảy, phân lỏng bất thường từ 3 lần/ngày trở lên, mẹ cần xử trí đúng cách để tránh dẫn tới suy dinh dưỡng và mất nước nặng.

Tùy vào tình trạng mất nước, trẻ sẽ được điều trị tại nhà hoặc tại cơ sở y tế. Có 3 mức độ mất nước ở trẻ. Dưới đây là các dấu hiệu cụ thể cho từng mức độ.

– Mất nước nặng khi có 2 trong các biểu hiện sau: ngủ li bì hoặc khó đánh thức, mắt trũng, uống nước kém hoặc không uống được, nếp véo da mất rất chậm.

Kiểm tra bằng cách dùng tay véo nếp da bụng của trẻ, sau đó thả tay. Vị trí véo nằm ở giữa đường nối từ rốn ngang đến bên hông. Nếu thấy nếp da xuất hiện rõ trên 2 giây sau khi bỏ tay ra thì nghĩa là trẻ có dấu hiệu nếp véo da mất rất chậm.

Trường hợp này trẻ cần được đưa ngay đến cơ sở y tế khám và điều trị.

– Có mất nước khi trẻ xuất hiện 2 trong các biểu hiện sau: trẻ khát uống háo hức, mắt trũng, nếp véo da mất chậm, vật vã kích thích.

Lúc này cũng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

– Mức độ cuối cùng là trẻ không mất nước, khi không có các biểu hiện kể trên. Trẻ có thể được xử trí và theo dõi tại nhà, mà không cần đến cơ sở y tế.

dieu tri tre bi di ngoai

Việc điều trị tiêu chảy cho trẻ dựa vào mức độ mất nước

Xem thêm Lý do bị tiêu chảy ở trẻ em và cách phòng tránh từ bác sĩ tiêu hóa

Dưới đây là các loại thuốc và dung dịch dùng cho trẻ bị tiêu chảy.

– Oresol (ORS)

Đây là dung dịch chứa các thành phần nước, glucose, natri, chloride, kali, citrate có tác dụng bổ sung nước và điện giải, giúp dự phòng và điều trị tình trạng mất nước ở trẻ.

Oresol dùng tại nhà theo đường uống. Tuy nhiên, nếu trẻ phải nhập viện, sẽ có thể phải truyền theo đường tĩnh mạch hoặc truyền dịch trong xương khi bị mất nước nặng.

Theo Hướng dẫn của Bộ Y tế, oresol có nồng độ thẩm thấu thấp (giảm nồng độ của glucose, natri, chloride) sẽ cho hiệu quả điều trị tốt hơn, giảm được lượng chất nôn và tiêu chảy mà không gây tăng natri máu ở trẻ.

Do đó, khi sử dụng oresol để dự phòng mất nước cho trẻ tại nhà, mẹ nên chọn loại có nồng độ thẩm thấu toàn phần thấp, khoảng 245 mmol/L hay 245 mEq.

oresol cho tre bi di ngoai

Oresol là dung dịch bù nước, điện giải, giúp dự phòng mất nước cho trẻ bị đi ngoài

– Thuốc kẽm

Kẽm là khoáng chất rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em. Nó cần cho hệ thống miễn dịch, hoạt động chuyển hóa và sự phân chia của các tế bào.

Với trẻ bị tiêu chảy, một lượng kẽm lớn đã bị mất qua phân và chất nôn. Do đó, việc bổ sung kẽm sẽ giúp trẻ nhanh hồi phục, tăng sức đề kháng và giảm nguy cơ tiêu chảy tái phát. Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy thường kèm theo biếng ăn, ăn không ngon. Khi đó, kẽm cũng có tác dụng kích thích vị giác, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Nhờ vậy hạn chế được vấn đề sụt cân và suy dinh dưỡng do tiêu chảy.

– Kháng sinh

Một số trường hợp trẻ bị đi ngoài do nhiễm khuẩn thì cần sử dụng thêm cả kháng sinh để điều trị.

Đó là khi trẻ có tiêu chảy phân lẫn máu, nghi ngờ do tả gây mất nước nặng hoặc xét nghiệm xác định trẻ bị nhiễm amip, ký sinh trùng Giardia duodenalis.

Ngoài ra nếu trẻ tiêu chảy kèm theo các nhiễm khuẩn khác như viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu thì cũng cần sử dụng kháng sinh để tiêu diệt mầm bệnh.

Một số loại kháng sinh được ưu tiên sử dụng như Azithromycin để điều trị tả, Ciprofloxacin để điều trị lỵ, Metronidazol dùng khi nhiễm amip hoặc đơn bào Giardia.

Việc sử dụng kháng sinh cần được bác sĩ chỉ định. Do đó, mẹ không nên tự ý mua kháng sinh cho trẻ dùng tại nhà. Nếu trẻ không bị nhiễm khuẩn thì kháng sinh sẽ càng làm tình trạng tiêu chảy nặng thêm.

kháng sinh cho tre bi di ngoai

Trẻ bị đi ngoài do nhiễm khuẩn thì cần sử dụng thêm cả kháng sinh để điều trị

– Thuốc hạ sốt

Trẻ bị tiêu chảy có thể kèm theo sốt do mất nước nặng hoặc nhiễm trùng, nhiệt độ cặp nách từ 37,5 độ trở lên. Nếu sốt cao trên 38 độ, sau bù nước sốt không đỡ thì nên dùng thêm thuốc hoặc miếng dán hạ sốt.

Thuốc hạ sốt phù hợp với trẻ bị tiêu chảy là Paracetamol dạng siro, hoặc gói bột pha uống.

– Cẩn thận thuốc cầm tiêu chảy Loperamide

Loperamide là thuốc cầm tiêu chảy thường dùng cho người lớn, nên trong nhiều gia đình sẽ có sẵn loại thuốc này. Tuy nhiên, đối với trẻ bị tiêu chảy, đây là loại thuốc không phù hợp.

Nguyên nhân là do Loperamide có tác dụng làm giảm nhu động ruột. Từ đó, giảm số lần đi ngoài và cầm tiêu chảy. Cơ chế này không phù hợp với trẻ nhỏ vì dễ dẫn tới tình trạng liệt ruột, khá nguy hiểm.

Trên thực tế, thuốc Loperamide không dùng cho trẻ dưới 9 tuổi. Do đó, mẹ cần hết sức lưu ý.

4. Cách sử dụng thuốc tiêu chảy cho bé

Dưới đây là cách sử dụng một số thuốc tiêu chảy cho bé tại nhà

* Oresol

– Sử dụng Oresol dạng gói bột pha dung dịch uống cho trẻ, nên chọn loại có độ thẩm thấu toàn phần thấp (245 mmol/L).

– Cách pha

+ B1. Rửa tay sạch bằng xà phòng.

+ B2. Đổ bột trong gói ra bình hoặc cốc to sạch.

+ B3. Đong lượng nước đúng theo hướng dẫn ghi trên gói bột, thường là 1 lít. Sử dụng nước đun sôi, để nguội để pha.

+ B4. Đổ lượng nước ở trên vào bình hoặc cốc có bột oresol, khuấy đều cho đến khi bột tan hoàn toàn.

– Cách cho trẻ uống

+ Cho trẻ uống theo nhu cầu tới khi hết tiêu chảy.

+ Với trẻ dưới 2 tuổi: uống khoảng 50-100ml sau mỗi lần đi ngoài và giữa các lần đi.

+ Với trẻ từ 2-10 tuổi: uống khoảng 100-200ml sau mỗi lần đi ngoài và giữa các lần đi.

+ Với trẻ lớn hơn: uống theo nhu cầu.

+ Trẻ nhỏ nên cho uống bằng thìa từng ngụm nhỏ. Nếu trẻ bị nôn, đợi khoảng 10 phút, sau đó cho uống chậm lại.

cach cho tre bi di ngoai uong oresol

Cho trẻ uống oresol theo nhu cầu tới khi hết tiêu chảy

– Lưu ý

+ Pha mới dung dịch oresol hàng ngày, bảo quản cẩn thận, ở nơi sạch sẽ.

+ Dung dịch đã pha chỉ dùng trong vòng 24h.

+ Cần đong đúng lượng nước theo hướng dẫn. Nếu thiếu nước, dung dịch sẽ bị đặc, gây thừa điện giải. Nếu thừa nước, dung dịch sẽ loãng quá và không cho hiệu quả tốt.

* Thuốc kẽm

– Sử dụng kẽm dạng viên 20mg hoặc siro kẽm có nồng độ 10mg/5ml.

– Cách cho trẻ uống

+ Với trẻ < 6 tháng sử dụng nửa viên kẽm 20mg trong 10-14 ngày hoặc 5ml siro.

+ Với trẻ từ 6 tháng trở lên sử dụng 1 viên kẽm 20mg trong 10-14 ngày hoặc 10ml siro.

– Lưu ý

+ Trẻ nhỏ có thể hòa tan viên thuốc với 1 ít (5ml) sữa mẹ, nước oresol hoặc nước sạch vào thìa nhỏ.

+ Trẻ lớn có thể tự nhai viên thuốc, hoặc hòa vào dung dịch như trên nếu cần.

+ Uống kẽm vào lúc đói.

Như vậy đến đây mẹ đã hiểu rõ hơn về một số loại thuốc dùng khi trẻ bị đi ngoài. Nếu bé nhà bạn bị tiêu chảy nhẹ, chưa đến mức đi ngoài phân lỏng 3 lần/ngày thì cũng chưa cần cho con uống thuốc. Bổ sung thêm nước sạch, các loại súp, cháo muối và chế độ ăn dễ tiêu hóa sẽ giúp trẻ nhanh hồi phục. Trường hợp trẻ tiêu chảy liên tục hoặc có dấu hiệu mất nước thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị phù hợp.

Nếu như vẫn còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ ngay cho tôi theo Hotline 0912.313.131 để được tư vấn và hỗ trợ một cách nhanh nhất hoặc Chat trực tiếp Facebook thầy thuốc Lê Minh Tuấn

Tìm hiểu thêm thông tin y khoa

Facebook Fanpage

Kênh Youtube

Kênh tik tok

Kênh Website

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0912313131 Chat ZALO
.
.
.
.