Ăn dặm kiểu Nhật là gì? Các giai đoạn ăn dặm kiểu Nhật mẹ cần biết

Ăn dặm là một trong những bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của bé. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, 6 tháng tuổi là thời điểm lý tưởng để cho bé bắt đầu ăn dặm. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp ăn dặm được các mẹ áp dụng, trong đó ăn dặm kiểu Nhật được sử dụng phổ biến hơn cả do những ưu điểm vượt trội mà nó mang lại.

Contents

Ăn dặm kiểu Nhật là gì?

Nghe tên gọi, chắc hẳn chúng ta đều biết rằng phương pháp này có nguồn gốc từ xứ sở hoa anh đào – một đất nước nổi tiếng với nền giáo dục tiên tiến và cách nuôi dạy trẻ thông thái. Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật chú trọng hương vị nguyên bản của từng loại thực phẩm. Thực đơn ăn dặm cho bé đảm bảo đa dạng, đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng tuyệt đối không trộn lẫn các loại thức ăn với nhau, giúp bé cảm nhận được hương vị riêng của từng món ăn.

Bên cạnh đó, các món ăn được chế biến dạng thô, làm nhỏ bằng cách cho vào cối giã hoặc nghiền chứ không xay nhuyễn bằng máy xay. Mục đích của việc này nhằm kích thích phản ứng nhai của bé, sau đó mới nuốt, kích thích khoang miệng tiết nước bọt giúp bé ăn ngon miệng hơn, đồng thời cũng giúp bé cảm nhận hương vị của từng món ăn một cách rõ ràng.

Ăn dặm kiểu Nhật là gì? Các giai đoạn ăn dặm kiểu Nhật mẹ cần biết

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cũng đề cao tính thẩm mỹ của món ăn. Nguyên nhân là do khi món ăn được trang trí đẹp mắt sẽ kích thích tính tò mò của trẻ, hấp dẫn và cuốn hút chúng vào bữa ăn. Ngoài ra, nó cũng rèn luyện tính tỉ mỉ, cẩn thận cho các bà mẹ khi chuẩn bị bữa ăn cho con.

Một vấn đề nữa mà các mẹ cần lưu ý khi cho con ăn dặm theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật đó là không ép con ăn. Lý giải về vấn đề này, các bà mẹ Nhật cho rằng việc ép con ăn hết khẩu phần sẽ khiến việc ăn uống trở thành nỗi ám ảnh của chúng. Trẻ sẽ tìm cách lẩn tránh, sợ hãi mỗi khi đến bữa ăn. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng biếng ăn, chán ăn ở trẻ sau này.

ăn dặm kiểu Nhật là gì?

Ăn dặm kiểu Nhật là gì?

Xem thêm Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé

Nguyên tắc của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

  • Cho bé ăn nhạt, không nên thêm gia vị vào thức ăn của bé. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ở giai đoạn này, thận của bé phát triển chưa hoàn chỉnh. Việc thêm gia vị vào món ăn có thể khiến thận bé phải làm việc quá tải
  • Thực đơn phải đảm bảo cung cấp đủ ba nhóm chất tinh bột – đạm – vitamin. Chú trọng sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên như thịt, cá, rau củ, hoa quả,…, tránh sử dụng đồ ăn đóng hộp
  • Cho bé ăn theo nhu cầu, không nên ép bé ăn hết khẩu phần
  • Rèn luyện cho bé sự tập trung khi ăn uống, không nên cho bé vừa ăn vừa nghịch đồ chơi, điện thoại, iPad hay xem ti vi, không đi rong,… Ngoài ra, nên tạo không khí vui vẻ để bé hứng thú với việc ăn uống
  • Cho bé ăn từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc, cân bằng dinh dưỡng giữa thực phẩm và lượng sữa
  • Thức ăn nên được nghiền hoặc cho vào cối giã rồi rây mịn thay vì xay nhuyễn bằng máy xay
  • Căn cứ vào sự phát triển của từng bé mà mẹ quyết định cho bé ăn thô sớm hay muộn

Xem thêm Trẻ phát triển chiều cao nhanh nhất ở giai đoạn nào 

nguyên tắc của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

Nguyên tắc của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

Ưu điểm của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật 

1. Bé có khả năng ăn thô sớm

Ngay từ khi bắt đầu với phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, bé đã được làm quen với thức ăn thô. Độ thô và độ đặc của thức ăn sẽ tăng dần theo độ tuổi của bé. Thức ăn thô giúp bé rèn luyện phản xạ nhai và nuốt thức ăn một cách tốt nhất, tránh trường hợp bé chỉ nuốt thức ăn một cánh thụ động, từ đó cũng làm giảm tình trạng nôn trớ hay hóc nghẹn thức ăn ở trẻ

bé có khả năng ăn thô sớm

Bé có khả năng ăn thô sớm

2. Bé nhận biết được mùi vị

Một trong những ưu điểm nổi trội của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là tôn trọng hương vị nguyên bản của từng loại thực phẩm. Khi chế biến món ăn, mẹ sẽ nấu riêng từng món, không trộn lẫn chúng với nhau. Điều này sẽ giúp trẻ cảm nhận rõ hương vị của từng món ăn, qua đó mẹ cũng có thể nhận biết được sở thích ăn uống của con. Đối với những món ăn trẻ thích, chúng sẽ ăn nhiều và vui vẻ.

Ngược lại bé sẽ từ chối những món ăn không hợp khẩu vị. Ngoài ra, mẹ cũng có thể nhận biết được con bị dị ứng với loại thực phẩm nào. Sau khi bé đã làm quen với hương vị của từng món ăn, mẹ có thể trộn lẫn các loại thực phẩm với nhau để kích thích vị giác của bé phát triển.

Xem thêm GỢI Ý THỰC ĐƠN ĂN DẶM KIỂU NHẬT CHO BÉ 7 THÁNG TUỔI

3. An toàn cho sức khỏe

Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật đảm bảo cung cấp đủ 3 nhóm chất tinh bột – đạm – vitamin cần thiết cho sự phát triển toàn diện của bé. Nguyên liệu chế biến món ăn luôn tươi ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh, rõ nguồn gốc, xuất xứ, không sử dụng thực phẩm ăn sẵn hay đóng hộp

Ngoài ra, các mẹ Nhật thường không thêm bất kỳ loại gia vị nào vào đồ ăn dặm của trẻ. Điều này rèn luyện cho trẻ thói quen ăn nhạt từ khi còn nhỏ, giúp bảo vệ thận, tránh cho thận phải làm việc quá sức

4. Rèn luyện cho bé tính tự lập khi ăn

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật còn rèn luyện tính kỷ luật cho bé: bé ngồi trên ghế để ăn, không đi rong, không nghịch điện thoại, iPad, đồ chơi, không xem tivi, không ngậm, không khóc,… Việc tập trung khi ăn uống giúp các bữa ăn diễn ra nhanh hơn, chỉ trong vòng 15 đến 20 phút. Ngoài ra, ở giai đoạn đầu, bé sẽ được học cách tự cầm thức ăn. Khi bé lớn hơn, mẹ sẽ rèn luyện cho bé cách cầm muỗng, thìa

rèn luyện cho bé tính tự lập khi ăn

Rèn luyện cho bé tính tự lập khi ăn

Nhược điểm của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

1. Mất nhiều thời gian

Có thể nói phương pháp ăn dặm kiểu Nhật khiến cho mẹ tốn khá nhiều thời gian và công sức, từ khâu lên ý tưởng, chuẩn bị nguyên liệu cho đến bước chế biến, trang trí món ăn. Bên cạnh đó, mẹ phải đảm bảo tỷ lệ khoa học phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé. Các món ăn phải đa dạng, xoay vòng, không nên lặp lại để giúp bé không cảm thấy chán ăn

2. Chi phí tốn kém

Bên cạnh việc tốn thời gian thì phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cũng khá tốn kém, đòi hỏi chi phí đầu tư cao. Khi quyết định cho con ăn dặm kiểu Nhật, để thuận tiện cho việc chế biến các món ăn, mẹ cần chuẩn bị các dụng cụ như nồi áp suất, cối giã, bát, đĩa, rây, đồ trữ đông, ghế ăn dặm,… Ngoài ra cũng cần chuẩn bị một số loại dầu ăn dành riêng cho bé như dầu mè, dầu oliu, dầu óc chó,…

3. Thức ăn trữ đông có thể kém thơm ngon

Thông thường, để tiết kiệm thời gian, mẹ thường chuẩn bị nhiều thức ăn cùng một lúc, sơ chế, sau đó cho vào tủ trữ đông, khi nào cho bé ăn sẽ đem ra giã đông và chế biến như thường. Tuynhiên, việc trữ đông làm giảm hương vị thơm ngon của món ăn, có thể khiến bé cảm thấy chán ăn.

thức ăn trữ đông kém thơm ngon

Thức ăn trữ đông kém thơm ngon

4. Mẹ dễ bỏ cuộc

Thời gian đầu khi áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, mẹ có thể rất hào hứng và phấn khởi. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, phương pháp này khiến mẹ tốn khá nhiều thời gian và công sức. Bên cạnh đó, không phải gia đình nào cũng ủng hộ cho con ăn dặm kiểu Nhật, kết hợp với việc bé không hợp tác có thể khiến mẹ vô cùng áp lực và dễ dàng từ bỏ.

mẹ dễ bỏ cuộc

Mẹ dễ bỏ cuộc

5. Bé không ăn được nhiều

Phương pháp này tôn trọng quyết định của trẻ, nhằm kích thích sự thèm ăn của trẻ. Chính vì vậy, khi trẻ không muốn ăn nữa, mẹ cũng không nên thúc ép, Trong giai đoạn đầu áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật,  có thể bé không tăng cân nhanh như phương pháp ăn dặm truyền thống

Các giai đoạn của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

Ăn dặm kiểu Nhật được chia thành 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: 5-6 tháng tuổi
  • Giai đoạn 2: 7-8 tháng tuổi
  • Giai đoạn 3: 9-11 tháng tuổi
  • Giai đoạn 4: 12-18 tháng tuổi

Mỗi giai đoạn sẽ có thực đơn và cách chế biến món ăn khác nhau. Độ thô của món ăn cũng tăng dần theo độ tuổi

1. Giai đoạn 1: 5-6 tháng tuổi (nuốt chửng)

Đây là giai đoạn bé bắt đầu tập ăn dặm, làm quen với các thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Đồ ăn cần được chế biến dạng lỏng, mềm mịn như sữa chua để bé dễ nuốt, tránh bị nghẹn

Những loại thực phẩm bé có thể ăn trong giai đoạn này:

  • Tinh bột (30-40 gam): cháo gạo, bánh mì, các loại khoai, chuối,…
  • Chất đạm (5-10 gam): đậu phụ, thịt cá, lòng đỏ trứng gà, sữa chua, phô mai, các loại hạt họ đậu
  • Vitamin (15-20 gam): cà rốt, bí đỏ, bông cải xanh, cà chua, táo, quýt,…

Trong tháng đầu mẹ có thể cho con ăn 1 bữa/ngày, sau đó tăng dần lên 2 bữa/ngày, cho bé uống sữa theo nhu cầu. Sữa cung cấp 80 – 90% dinh dưỡng, còn thức ăn dặm cung cấp 10 – 20% dinh dưỡng

Một số lưu ý khi cho bé ăn dặm trong giai đoạn này:

  • Khi bé xuất hiện các dấu hiệu ăn dặm, mẹ hãy chọn một ngày mà bé vui vẻ, khỏe mạnh để bắt đầu thời kỳ ăn dặm
  • Cho bé ăn uống đúng giờ để duy trì nhịp sinh lý ổn định
  • Sau bữa ăn dặm, mẹ có thể cho bé bú sữa theo nhu cầu. Lúc này, việc uống sữa không nhất thiết phải theo giờ mà mẹ có thể chia ra thành nhiều cữ để bổ sung cho bữa ăn dặm của bé
  • Khi mới bắt đầu, nên cho bé ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu (ví dụ: cháo trắng)
  • Nguyên tắc quan trọng là cho bé ăn dặm theo nhu cầu vì cơ thể bé cần có thời gian thích nghi với cách ăn mới, thức ăn mới

giai đoạn 1: nuốt chửng

Giai đoạn 1: nuốt chửng

2. Giai đoạn 2: 7-8 tháng tuổi (nhai trệu trạo)

Ở giai đoạn này, lưỡi kết hợp với hàm trên để nghiền nát thức ăn, để thức ăn từ miệng vào cổ họng. Vì thế, thức ăn không được mềm mịn như giai đoạn trước, vẫn sền sệt nhưng bắt đầu có sự xuất hiện của các mảnh thức ăn nhỏ nhằm kích thích phản ứng nhai của bé. Mẹ cần chú ý quan sát xem con có nhai nghiền thức ăn không hay vẫn nuốt chửng

Các loại thực phẩm mẹ có thể cho bé ăn trong giai đoạn này:

  • Tinh bột (50-70 gam): yến mạch, mỳ, bún, cháo theo tỉ lệ 1:7
  • Chất đạm (13-15 gam): cá, trứng, đậu hũ, ức gà
  • Vitamin và khoáng chất (25 gam): xà lách, rau dền, rong biển, nấm tươi, cải cúc, dưa leo,…

Bé bú mẹ theo nhu cầu. Sữa cung cấp 60-70% dinh dưỡng, ăn dặm cung cấp 30-40% dinh dưỡng

Trong giai đoạn này, bé có những thay đổi lớn:

  • Bé đã có thể phối hợp lưỡi và hàm trên để nghiền nát thức ăn thay vì nuốt chửng như thời kỳ bắt đầu tập ăn dặm
  • Mẹ nên bổ sung các loại thịt và rau củ để bữa ăn của bé trở lên phong phú, ngon miệng và bổ dưỡng hơn
  • Số lượng bữa ăn nên tăng thành 2 bữa/ngày, bữa sáng có thể bắt đầu lúc 10 giờ và bữa tối nên bắt đầu trước 7 giờ tối

giai đoạn 2: nhai trệu trạo

Giai đoạn 2: nhai trệu trạo

3. Giai đoạn 3: 9-11 tháng tuổi (nhai nhóp nhép)

Trong giai đoạn này, bé đã có thể dùng lợi để nhấm nháp thức ăn. Mẹ nên nấu thức ăn mềm (như chuối chín), thái thức ăn to hơn một chút, đổ ít nước hơn để con rèn luyện khả năng nhai của mình.

Bữa ăn của bé vẫn phải đảm bảo cung cấp đủ ba nhóm chất: tinh bột (90-100 gam),  đạm (15 gam),  vitamin và khoáng chất (30-40 gam)

Bé ăn 3 bữa/ngày. Mẹ cho bé uống khoảng 500-800 ml sữa mỗi ngày. Sữa cung cấp 30-40% dinh dưỡng, ăn dặm cung cấp 60-70% dinh dưỡng

giai đoạn 3: nhai nhóp nhép

Giai đoạn 3: nhai nhóp nhép

4. Giai đoạn 4: 12-18 tháng tuổi (nhai thành thạo)

Ở giai đoạn này, nhiều bé đã cai sữa và có thể ăn chế độ ăn như người lớn. Bé đã có thể nghiền thức ăn bằng những chiếc răng cửa của mình, vì thế thức ăn không cần nấu mềm như trước. Tuy nhiên, mỗi bé sẽ có có đặc điểm khác nhau, mẹ không nên nóng lòng mà chú ý quan sát để điều chỉnh cách nấu ăn cho phù hợp

Bé cũng biết cách điều chỉnh cách nhai cho phù hợp với từng loại thức ăn. Vì thế, mẹ nên chuẩn bị phong phú các loại thực phẩm, chế biến món ăn đa dạng để bé rèn luyện khả năng nhai của mình. Đồng thời, dạy bé cách cầm thìa, muỗng để rèn luyện tính tự lập trong bữa ăn

Thực đơn của bé trong giai đoạn này:

  • Cơm: 80-100 gam
  • Vitamin và khoáng chất (rau củ quả): 40-50 gam
  • Chất đạm (thịt, cá,..): 15-18 gam

Mỗi ngày, bé ăn 3 bữa, uống khoảng 300-400 ml sữa. Sữa cung cấp 20-25% dinh dưỡng, ăn dặm cung cấp 75-80% dinh dưỡng

giai đoạn 4: nhai thành thạo

Giai đoạn 4: Nhai thành thạo

Ăn dặm kiểu Nhật phù hợp với những đối tượng nào?

  • Đối với bé: phương pháp ăn dặm kiểu Nhật hoàn toàn phù hợp với tất cả các bé
  • Đối với mẹ: phương pháp ăn dặm kiểu Nhật đòi hỏi phải tốn rất nhiều thời gian và công sức, sự tỉ mỉ và cẩn thận trong việc chế biến món ăn cho bé. Vì thế, mẹ cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện việc cho con ăn dặm theo phương pháp này. ở Việt Nam, hầu hết các mẹ sẽ quay trở lại công việc sau 6 tháng nghỉ sinh. Vì vậy sẽ khó có thể sắp xếp nhiều thời gian cho con. Tuy nhiên, nếu mẹ vẫn quyết tâm theo đuổi phương pháp này, mẹ có thể kết hợp với các phương pháp ăn dặm khác như ăn dặm truyền thống, ăn dặm theo phương pháp bé tự chỉ huy.

đối tượng phù hợp với ăn dặm kiểu Nhật

Đối tượng phù hợp với ăn dặm kiểu Nhật

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật tuy tốn khá nhiều thời gian và công sức trong công tác chuẩn bị và chế biến món ăn nhưng không thể nào phủ nhận những lợi ích mà nó mang lại đối với sự phát triển của trẻ. Hi vọng bài viết trên đây sẽ giúp các mẹ có cái nhìn tổng quan về phương pháp ăn dặm kiểu Nhật. Từ đó lên kế hoạch chuẩn bị cho con bước vào thời kỳ ăn dặm một cách vui vẻ và bổ ích.

Nếu như vẫn còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ ngay cho tôi theo Hotline 0912.313.131 để được tư vấn và hỗ trợ một cách nhanh nhất hoặc Chat trực tiếp Facebook thầy thuốc Lê Minh Tuấn

Tìm hiểu thêm thông tin y khoa

Facebook Fanpage

Kênh Youtube

Kênh tik tok

Kênh Website

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0912313131 Chat ZALO
.
.
.
.