Mẹ đã từng đọc ở đâu đó rằng ăn một quả táo mỗi ngày sẽ giúp chúng ta sống khoẻ hơn. Tuy nhiên với trẻ con, điều này liệu có đúng? Để biết được trẻ ăn táo có tốt không, mời mẹ theo dõi bài viết dưới đây.
Contents
Táo có chất gì?
Táo là loại trái cây có nguồn gốc ở Trung Á. Hiện nay có hơn 7500 giống khác nhau, với các đặc tính cũng khác biệt. Loại táo mà chúng ta hay ăn còn được gọi là táo tây, thường được nhập từ nước ngoài do ở Việt Nam loại cây này không trồng được phổ biến.
Từ lâu, táo đã được coi là nguồn dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Các nhóm chất có trong táo chủ yếu bao gồm: carbohydrates, chất xơ, vitamin và khoáng chất, chất chống oxy hoá.
Táo chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khoẻ
– Carbohydrates
Táo chủ yếu chứa carbohydrates và nước. Ước tính trong 100g táo có 13,8g carbohydrate. Trong đó, các loại đường đơn như fructose, sucrose và glucose đã chiếm tới 10,4g. Mặc dù vậy, nhưng táo vẫn được xếp vào nhóm ảnh hưởng không nhiều đến đường huyết của chúng ta (chỉ số GI 29-44).
– Chất xơ
Đây cũng là một thành phần quan trọng. Một quả táo cỡ vừa (khoảng 100g) chứa tổng 4g chất xơ với 2 nhóm là loại không hòa tan và loại pectin hoà tan.
– Vitamin và khoáng chất
Táo rất giàu vitamin và khoáng chất với khoảng 20 loại khác nhau. Trong đó, phải kể đến vitamin C và kali.
– Chất chống oxy hoá
Các chất chống oxy hoá được tìm thấy trong táo là quercetin, catechin, và axit chlorogenic.
Vì sao nên cho trẻ ăn táo?
Trẻ ăn táo có tốt không?
Táo không chỉ tốt cho người lớn mà với trẻ cũng vậy.
– Với hàm lượng carbohydrate cao, táo là lựa chọn phù hợp trong bữa ăn nhẹ, giúp bổ sung năng lượng cho trẻ.
– Táo giàu vitamin C có vai trò phục hồi tổn thương, và tham gia quá trình tạo collagen giúp chắc khỏe xương.
– Chất xơ có trong táo là thức ăn cho vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Do đó giúp tăng cường sức khỏe hệ tiêu hoá, ngăn ngừa táo bón.
– Các chất chống oxy hóa giúp kháng viêm, bảo vệ tế bào não, và chống ung thư.
Nên cho trẻ ăn táo như thế nào?
Trẻ khoảng 6 tháng tuổi là mẹ có thể thêm táo vào thực đơn hàng ngày của con. Tuy nhiên có 2 điều cần lưu ý khi cho trẻ ăn táo. Đó là hạt táo có thể gây ngộ độc cyanid và vỏ táo thường được phun thuốc trừ sâu. Vì vậy tốt nhất mẹ nên bỏ vỏ và hạt táo cẩn thận trước khi cho trẻ ăn. Dưới đây là cách chuẩn bị táo cho trẻ theo từng độ tuổi.
– Trẻ 6-9 tháng
Nấu chín nửa quả táo (đã bỏ vỏ, lõi và hạt) trong nước sôi cho đến khi dễ dàng dùng nĩa đâm thủng. Mẹ cũng có thể nghiền táo đã nấu chín để làm nước sốt táo và trộn với bơ hoặc sữa chua cho trẻ ăn.
Món táo nghiền cho trẻ mới tập ăn dặm
Nếu muốn cho trẻ ăn táo tươi, hãy cắt thành miếng mỏng như tờ giấy hoặc nạo cho vào bát để trẻ tự ăn.
– Trẻ 9-18 tháng
Ở tuổi này mẹ vẫn có thể cho trẻ ăn táo nấu chín hoặc những miếng táo mỏng. Nếu có thể đảm bảo vỏ táo sạch, thì mẹ cũng nên chuẩn bị cho trẻ miếng táo còn nguyên vỏ vì vỏ cũng rất tốt và trẻ sẽ học được cách nhai.
Táo còn nguyên vỏ giúp trẻ tập nhai
– Trẻ 18-24 tháng
Khi trẻ đã sẵn sàng, mẹ hãy cho con ăn cả quả táo. Nếu trẻ không thích ăn vỏ mẹ có thể gọt bỏ đi. Việc ăn cả quả này có thể hạn chế được tình trạng hóc do trẻ chưa có khả năng cắn được miếng to từ một quả táo. Tuy nhiên, khi cắt thành miếng như người lớn ăn, trẻ sẽ dễ ngoạm được một miếng to và dễ gây hóc hơn.
– Trẻ trên 24 tháng
Đến lúc này, trẻ hoàn toàn có thể ăn được như người lớn. Nhưng để tốt nhất, mẹ vẫn nên trông chừng trẻ khi ăn nhé.
Trẻ từ 2 tuổi có thể ăn táo như người lớn
Ngoài ra mẹ cũng có thể thêm táo vào salad, làm bánh táo để bữa ăn trở nên thú vị hơn. Chúc mẹ áp dụng thành công.